CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH MĂNG NON
Thời gian phát thanh: Tháng 9
Địa điểm: Tại Liên Đội, địa bàn dân cư
Bài phát thanh số: 1
Đây là chương trình phát thanh Măng non tiếng nói của Liên đội trường TH Ngư Thủy Bắc. Xin kính mời các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn đội viên nhi đồng đón nghe bản tin măng non hôm nay.
Các bạn thân mến !
Trong chương trình măng non hôm nay, măng non mời các bạn lắng nghe về “TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC”
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn HS thân mến!
1. Chết đuối được gọi là cái chết do ngạt thở trong nước, có thể là do uống nhiều nước vào phổi hoặc đường hô hấp bị phản ứng co thắt do nước gây ra làm ngạt thở.
2. Nguyên nhân bị đuối nước là:
- Do người lớn, trẻ em thiếu ý thức, kiến thức về mối nguy hiểm, các yếu tố nguy cơ, và kỹ năng phòng tránh đuối nước. Các kỹ năng cần đặc biệt chú ý là: trông trẻ, dạy bơi, cứu đuối...
- Do môi trường có những yếu tố nguy cơ như:
+ Biển, sông, hồ, suối, ao...không có biển báo nguy hiểm, rào chắn.
+ Mưa to, lũ lụt xảy ra thường xuyên.
+ Những nơi có sông suối hồ ao, trẻ em không biết bơi hoặc biết bơi nhưng chủ quan không lường hết được sự nguy hiểm.
3. Để xử lí khi gặp tai nạn đuối nước chúng ta làm như sau:
- Khi phát hiện thấy người bị rơi, ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng..vv. và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dài, chắc... từ bờ để nạn nhân túm lấy được dây thừng và kéo nạn nhân vào bờ, hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên...
- Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực:
+ Nếu lồng ngực không chuyển động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy thổi ngạt miệng qua miệng. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không; nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngừng tim, phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
+ Nếu nạn nhân còn thở được, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra.
- Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở vẫn có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước.
4. Để phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, mọi người và các em học sinh cần quan tâm đến công việc sau đây:
4.1. Đối với trẻ lớn và người lớn:
- Không nên nhảy xuống vùng nước mà không biết nơi đó nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.
- Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và khi đi tàu thuyền.
- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.
- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
4.2. Đối với trẻ nhỏ:
- Trẻ em khi bơi phải được người lớn giám sát thường xuyên và không được rời mắt để làm công việc khác như đọc sách, tán chuyện gẫu,...
- Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
- Nhà khá giả có hồ bơi nên rào kín xung quanh và cửa có khóa để trẻ em không mở cửa được, có hệ thống báo động khi trẻ em vào.
- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).
Các bạn thân mến !
Chương trình phát thanh của đội tuyên truyền măng non của liên đội trường TH Ngư Thủy Bắc đến đây là hết rồi.
Thân ái chào các bạn !
Ban giám hiệu nhà trường
P/Hiệu trưởng Giáo viên - Tổng phụ trách
Đào Thị Dung Hoàng Mạnh Hùng