Kính thưa BGH nhà trường
Kính thưa các thầy giáo cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Chiến tranh đã đi qua nhưng bom mìn do chiến tranh để lại vẫn còn trên đất nước Việt Nam. Những cái chết bi thương do bom mìn gây ra là những mất mát lớn cho gia đình, người thân và cộng đồng. Để phòng tránh tai nạn bom mìn cho học sinh nói riêng và cộng đồng nói chung. Hôm nay, trong buổi giới thiệu sách tháng 12/2023, thư viện trường xin giới thiệu chuyên đề “Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn” cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong nhà trường.
Đây là tài liệu giúp cho giáo viên giáo dục tích hợp trong một số môn học nhằm giúp học sinh có thêm kiến thức để phòng tránh tai nạn do bom mìn, vật liệu chưa nổ gây ra cho bản thân và cộng đồng.
Như chúng ta đã biết: Bom mìn vật nổ (BMVN) còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hàng ngày đối với nhiều người dân, là vấn đề nhức nhối đối với chính phủ nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến, đất đai và con người bị ảnh hưởng nặng nề bởi số lượng BMVN do các bên sử dụng. Chỉ tính riêng số BMVN từ năm 1945 đến 1975 do quân đội đối phương sử dụng ở Việt Nam đã lên tới trên 15 triệu tấn, nhiều gấp 4 lần so với Chiến tranh thế giới thứ hai.
Theo thống kê, nước ta còn khoảng 800.000 tấn bom đạn sót lại sau chiến tranh, gần 20% diện tích đất đai ở nước ta bị ô nhiễm bom mìn và hơn 100.000 người bị chết và bị thương từ sau cuộc chiến tranh. Phần lớn nạn nhân của bom mìn đều là lao động chính trong gia đình, hoặc là lứa tuổi tương lai của đất nước, nhiều nạn nhân tuy sống sót nhưng lại trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh rải rác nhiều nơi.
Để hạn chế thương vong do bom mìn, các em cần lưu ý:
* Tránh xa khu vực có bom mìn:
- Luôn chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo khu vực có thể bị nhiễm bom mìn. Không nên đi vào những nơi bị nghi là nhiễm bom mìn vì bất kỳ lý do nào. Chỉ đi vào những nơi đã được kiểm tra và rà phá kỹ càng.
* Không đụng vào bom mìn:
- Khi gặp bom mìn, tuyệt đối không ném bom mìn đi hay ném bất kỳ vật gì vào bom mìn. Không đá hay đạp bom mìn;
- Không đụng vào bất kỳ vật thể nào trừ khi bạn biết chắc chắn là nó an toàn.
- Không được tháo gỡ bom mìn, không ném bom mìn xuống ao hồ, không đốt bom mìn.
- Không đi vào gần những nơi có dây chăng mìn vì xung quanh có thể có bom mìn.
- Không rà tìm phế liệu chiến tranh.
* Cảnh báo người khác không đụng vào bom mìn:
- Ngăn không cho người khác đi vào khu vực có bom mìn.
* Tìm lối đi an toàn:
- Hỏi người dân địa phương về lối đi an toàn. Một lối đi an toàn là con đường đã được đi lại thường xuyên. Tại vùng có nguy cơ sót lại bom mìn nên đi lại vào ban ngày có thể, vì ban đêm khó nhìn thấy được các dấu hiệu cảnh báo bom mìn.
- Luôn nhìn xung quanh xem có những dấu hiệu cho thấy có sự hiện diện của bom mìn.
- Những người đi cùng nhau qua một khu vực có mìn nên đi theo hàng một giữa tim đường và nên cách nhau ít nhất một mét.
* Nhận dạng các dấu hiệu nguy hiểm:
- Nếu phát hiện địa điểm có bom mìn còn sót lại, bà con có thể đánh dấu bằng những biển báo bom mìn mà không để lại hậu quả cho người khác.
- Biển báo bằng vật liệu tốt như tấm nhựa, kim loại có hình báo nguy hiểm. Nếu bà con thấy bất kỳ dấu hiệu nào và nghĩ rằng khu vực đó có bom mìn thì nên quay lại nơi vừa đi và tìm đường đi khác an toàn hơn.
- Thường các khu vực nguy hiểm nhìn không khác nhiều với các khu vực an toàn. Một số dấu hiệu để khẳng định vùng có bom mìn là: Xác thú vật bị chết hay bị thương; một phần của quả bom mìn lộ thiên như kíp nổ lòi lên mặt đất hay nằm trên mặt đất, hộp đựng mìn hay giấy bọc mìn vứt bên đường.
- Các dấu hiệu khác bà con có thể lưu ý: Sự thay đổi bất thường của cây cỏ, cụm đất nhô lên, hay đám đất bị xáo trộn; dấu hiệu chiến tranh, như hố bom, mảnh đạn hay thùng đạn.
* Một số kỹ năng phòng tránh bom mìn cho trẻ em như sau:
- Không xem người lớn cưa đục bom mìn.
- Khi thấy bom mìn, hãy tránh xa và báo cho người lớn hoặc cơ quan chức năng.
- Không chăn trâu, cắt cỏ, kiếm củi đốt lửa trong khu vực có biển báo nguy hiểm.
- Không tắm trong hố bom cũ.
- Không nhặt, đập, ném vào vật nghi ngờ là bom mìn.
- Trường hợp nhìn thấy bom mìn, quay lại dấu chân cũ rồi báo cho cơ quan chức năng và người lớn đến xử lý.
Hy vọng đây là tài liệu bổ ích dành cho giáo viên và học sinh tham khảo, nhằm trang bị kỹ năng cần thiết phòng tránh rủi ro mà bom mìn gây ra.
Ngư Thủy Bắc, ngày 04 tháng 12 năm 2023
Người giới thiệu Hiệu trưởng
Lê Thị Thanh Tuyền Trần Văn Duẩn