Ngày 10 tháng 01 năm 2019, UBND huyện đã ban hành Công văn số 65/UBND-GDĐT về việc tăng cường các biện pháp phòng chống bạo hành trẻ em và bạo lực học đường.
Theo đó, để tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống bạo hành trẻ em, bạo lực học đường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh cả về thể xác lẫn tinh thần trong gia đình, trong các trường học và các cơ sở giáo dục, UBND huyện Lệ Thủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan, phòng Giáo dục&Đào tạo triển khai kịp thời các nội dung sau:
1. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của các cấp về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục: Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Công văn số 1317/UBND-LĐTBXH ngày 18/6/2018 của UBND huyện Lệ Thuỷ về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em trong các trường học và các cơ sở giáo dục.
2. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh, cộng đồng về công tác phòng, chống các nguy cơ bạo hành trẻ em, bạo lực học đường; kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật và tai nạn thương tích trong các trường học; tạo môi trường học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh cho học sinh.
3. Đẩy mạnh công tác truyền thông về nguy cơ xâm hại, bạo hành trẻ em, bạo lực học đường trên hệ thống loa phát thanh của huyện, của xã, thị trấn, các thôn và của các đơn vị trường học nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, gia đình và cộng đồng về các biện pháp phòng, chống bạo hành trẻ em, bạo lực học đường.
4. Tăng cường công tác giáo dục pháp luật, đặc biệt là pháp luật có liên quan đến quyền, trách nhiệm của trẻ em; trang bị cho các em những kĩ năng cần thiết để tự phòng ngừa, tự bảo vệ; phát huy vai trò của học sinh trong việc tố giác các hành vi bạo hành trẻ em, bạo lực học đường xảy ra đối với bản thân, bạn bè để nhà trường và gia đình có biện pháp xử lý kịp thời.
5. Tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm của mỗi một nhà giáo: Ngoài năng lực giảng dạy, mỗi một thầy giáo, cô giáo phải là những người vừa có tình yêu thương, vừa nghiêm túc với trò và với chính bản thân mình.
6. Chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ các ban ngành đoàn thể trên địa bàn triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa tình trạng học sinh đánh nhau; các hành vi bạo lực, xâm hại đối với học sinh, trẻ em. Kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh các cá nhân, tập thể bao che, không tố cáo, không xử lý hoặc xử lý không nghiêm các hành vi bạo hành trẻ em, bạo lực học đường.
7. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước lãnh đạo UBND huyện, trước chính quyền địa phương nếu để xảy ra các vụ việc liên quan đến vi phạm đạo đức nhà giáo; liên quan đến bạo hành trẻ em, bạo lực học đường hoặc các vụ việc ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trường học.
8. Giao trách nhiệm cho Phòng Giáo dục&Đào tạo chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn huyện quán triệt, phổ biến đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành nội dung Công văn này.
Nguồn: Công văn số 65/UBND-GDĐT