TẠO HỨNG THÚ CHO HỌC SINH BẰNG CÁCH DẠY HỌC THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM
Dạy học trải nghiệm đã được các nhà khoa học nghiên cứu về lí luận và thực tiễn cho thấy khả năng phát triển năng lực và phẩm chất người học nếu được thực hiện có hiệu quả. Năng lực giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Việc xác định nội hàm năng lực dạy học trải nghiệm và vai trò của nó đối với mục tiêu đổi mới giáo dục sẽ giúp việc định hướng đào tạo, bồi dưỡng đạt hiệu quả cao hơn cho học sinh.
Trường Tiểu học Ngư Thuỷ Bắc đã ứng dụng các phương pháp dạy học thông qua trải nghiệm để tạo hứng thú học tập cho học sinh. Phương pháp học tập này lấy người học làm trung tâm, chủ động tiếp nhận kiến thức và giáo viên sẽ là người định hướng, hỗ trợ. Người học sẽ được tiếp thu kiến thức thông qua các dự án, STEM, tham gia cuộc thi, hoạt động trải nghiệm hay dã ngoại,…
Thông qua các hoạt động trải nghiệm, học sinh sẽ có được nền tảng tri thức vững chắc, các kỹ năng cần thiết cho sự phát triển toàn diện cả về đạo đức – trí tuệ – nghị lực: Rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết hàn lâm và kiến thức thực tiễn: Nhờ vào các bài tập trải nghiệm, học sinh có thể vận dụng kiến thức để áp dụng vào cuộc sống để giải quyết các vấn đề thực tế. Tăng sự hứng thú, tính chủ động, và thúc đẩy tiềm năng sáng tạo của mỗi học sinh. Học sinh có nhiều cơ hội tiếp cận tri thức bằng nhiều giác quan khác nhau: thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác,… Điều này đã góp phần tăng khả năng ghi nhớ cho học sinh.
Thông qua học tập trải nghiệm, học sinh không chỉ trang bị kiến thức vững vàng mà còn rèn luyện được một số kỹ năng cần thiết như: kỹ năng tổng hợp thông tin, phân tích, kỹ năng giao tiếp, sáng tạo, kỹ năng xử lý tình huống,… Từ đó giúp tăng cường khả năng ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế.
Sau đây là một số hoạt động phổ biến của phương pháp dạy học trải nghiệm:
Học tập trải nghiệm thông qua hoạt động thảo luận nhóm Với hoạt động này, học sinh sẽ được chia thành các nhóm nhỏ để cùng thảo luận và giải quyết một vấn đề cụ thể thuộc chủ đề của bài học. Cuối cùng, câu trả lời được trình bày và nhận được đóng góp từ cả lớp.
Hoạt động này giúp từng học sinh cùng đưa ra ý kiến và thảo luận với chính các thành viên trong nhóm. Từ đó, mỗi học sinh được trau dồi kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, phân tích và làm việc nhóm rất hiệu quả.
Học tập trải nghiệm thông qua hoạt động nghiên cứu tình huống Học sinh sẽ được giới thiệu một tình huống thực tế thông qua video clip hoặc bài giảng. Giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh tiếp cận bài học bằng cách đặt ra các câu hỏi xoay quanh tình huống thực tế, nhiệm vụ của học sinh là tổng hợp thông tin, phân tích, suy luận và đưa ra câu trả lời chính xác nhất.
Hoạt động nghiên cứu tình huống giúp học sinh phát triển kỹ năng tìm kiếm thông tin từ dữ liệu nhận được cùng với đó là rèn luyện khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá vấn đề để đưa ra kết luận cuối cùng.
Học tập trải nghiệm thông qua trò chơi nhập vai Học sinh sẽ trực tiếp hóa thân thành các nhân vật để mô phỏng lại các tình huống, hiện tượng thực tế trong cuộc sống. Các hoạt động “học mà chơi, chơi mà học” này không chỉ tăng sự thích thú, tập trung cho học sinh mà còn giúp các em hiểu sâu, đánh giá vấn đề một cách thực tế, đa chiều từ đó dễ dàng tiếp thu được kiến thức.
Học tập trải nghiệm từ hoạt động thực tếĐối với hoạt động này, học sinh trải nghiệm thực tế thông qua việc thí nghiệm và thực hành trong môi trường thật, thay đổi không gian từ lớp học sang phòng thí nghiệm hoặc các cơ sở sản xuất, địa điểm, doanh nghiệp,… phù hợp với bài học. Qua việc tiếp cận môi trường thực tế, học sinh cũng sẽ được mở rộng cách nhìn nhận, tiếp cận và đưa ra các suy luận, đánh giá một cách trực quan hơn, bám sát thực tế hơn.
Có thể thấy rằng, việc dạy và học trải nghiệm chắc chắn là một trong những xu hướng học tập hiệu quả, tạo hứng thú cho cả người giảng dạy và các em học sinh.
GV: Võ Thị Bích Làn